Ứng phó mặn xâm nhập trên vườn cây ăn trái (Lượt xem: 666)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 21/02/2025

Theo nhận định từ cơ quan Khí tượng Thủy văn, mùa khô 2024 – 2025 này, tình trạng mặn xâm nhập đang biến động khó lường, nhiều khả năng độ mặn sẽ tăng cao và lấn sâu hơn vào nội đồng theo các đợt triều cường. Nếu độ mặn trên Sông Hậu kéo dài và ở mức gây thiệt hại thì Sóc Trăng sẽ có hơn 10.000 ha cây ăn trái bị suy kiệt do thiếu nước tưới. Theo đó, các địa phương và nhà vườn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ vùng trồng cây ăn trái của tỉnh.

Ứng phó mặn xâm nhập trên vườn cây ăn trái
 Tích trữ nước trong mương vườn để tưới cho cây.

Khác với sự bị động như nhiều năm trước, ngay từ đầu mùa khô năm nay, ông Đặng Tuấn Kiệt (ở ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách) đã chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ 1,5 ha vườn trồng Mít của gia đình. Ngoài thực hiện các biện pháp kỹ thuật được khuyến cáo bởi cơ quan chuyên môn (cắt cành, tỉa nhánh để cây thông thoáng, tiết kiệm được lượng nước tưới), thì “thông qua kênh zalo được địa phương thành lập, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến mặn xâm nhập trên địa bàn. Trước khi lấy nước vào cũng kiểm tra xem nước có đạt chuẩn hay không. Ngoài ra, tôi cũng có lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước tại vườn để tưới giữ ẩm, thấy rất hiệu quả, cây trồng đỡ thiệt hại”, ông Kiệt, nói.

Lắp đặt hệ thống tưới phun vườn cây ăn trái.

Tại huyện Cù Lao Dung, do biết khai thác tốt tiềm năng thổ nhưỡng mà đến nay, địa phương đã phát triển được trên 4.000 ha cây ăn trái, phần lớn vùng trồng tập trung ở khu vực đầu Cồn nên rất dễ bị tác động, khi mặn trên Sông Hậu lên cao và lấn sâu.Do đó, dù mùa nắng và mùa mưa, chính quyền các cấp và người dân đều ứng phó với hạn, mặn. Ngành chuyên môn chủ động rà soát, triển khai kế hoạch duy tu, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt; tích cực tuyên truyền cho bà con các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại cây trồng, nhằm đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển trong điều kiện hạn, mặn.

Trong mùa mưa thì truyên truyền cho bà con tích cực tích trữ nước trong mương vườn và các khu vực sản xuất để có thể đáp ứng nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng theo từng quy mô phù hợp để không bị thiếu nước trong mùa hạn mặn. Hiện nay, tỉnh cũng đã bố trí kinh phí 8,5 tỷ đồng để huyện thực hiện nạo vét khoảng 40 km các tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Đơn vị tư vấn hiện đã tổ chức khảo sát và sẽ tiến hành trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác ứng phó mặn xâm nhập cũng như triều cường, ông Nguyễn Văn Đắc (ảnh dưới) - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết.

 

Cây ăn trái có thể chống chịu thời gian khô hạn tốt hơn cây công nghiệp ngắn ngày hay cây lúa, nhưng sẽ bị giảm khả năng phát triển thì chuyện thất mùa là không thể tránh khỏi. Khi mặn đã nhiễm sâu vào đất, cây cần thời gian rất lâu để phục hồi và cho trái trở lại. Mùa khô 2024 - 2025, tình trạng mặn xâm nhập hiện đang bước vào giai đoạn gay gắt, những nỗ lực của nông dân đã và đang góp phần hạn chế được những thiệt hại trước mắt, nhưng về lâu dài cần phải có những giải pháp căn cơ hơn. Bởi mỗi năm, hạn, mặn đã trở thành "câu chuyện quen thuộc" và khắc nghiệt hơn.

Để hạn chế việc hạn, mặn làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, ông Nguyễn Thanh Hải (ảnh dưới) - Trưởng Phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, vào mùa khô, bà con cần hạn chế để trái nhiều trên cây mà chỉ để trái ít thôi. Vì nếu để trái nhiều khi mặn xâm nhập sâu mà chúng ta không quản lý kịp thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Trong giai đoạn này, bà con cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để tạo bộ rễ khỏe mạnh cho cây trồng. Bên cạnh đó, khi thấy mặn xâm nhập bà con nên tiến hành tỉa bớt những cành sâu bệnh, những cành không có khả năng mang trái, những cành yếu để cây khỏe. Như vậy sau đợt hạn, mặn khi chúng ta chăm sóc thì cây sẽ được phát triển mạnh hơn…

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường không còn xuất hiện theo quy luật (vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm). Ngay trong mùa hạn, mặn, triều cường vẫn diễn ra và mức độ ảnh hưởng nguy hiểm hơn khi kéo theo nước mặn vào kênh nội đồng. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, cơ quan chuyên môn lưu ý nhà vườn cần tiếp tục củng cố chắc chắn hệ thống đê bao khống chế mặn và tích trữ nước ngọt khi có điều kiện. Đồng thời, lưu ý nhà vườn hạn chế tối đa việc tưới nước có độ mặn gần bằng hoặc trên 1‰. Riêng đối với một số cây có mẩn cảm như: Sầu riêng, Măng cục, Chôm chôm thì không được tưới nước có độ mặn từ 0,5 ‰ trở lên./.

Ngọc Thơ, Văn Dô

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online